Nông dân Nguyễn Văn Dũng với mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP
Thứ ba, 13/9/2011 09:58
 

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa có thu nhập hàng năm khoảng 150 triệu đồng từ 190 gốc bưởi da xanh. Anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện năm 2010. Mới đây, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và cơ quan cấp giấy chứng nhận VietGAP tiến hành kiểm tra giám định và đánh giá đạt yêu cầu đối với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên vườn bưởi da xanh của anh Dũng.

 

Từ 40 nhánh bưởi da xanh ban đầu, anh trồng xen với măng cụt và nhãn tiêu quế, sau thời gian chăm sóc và thu hoạch trái, anh nhận thấy ưu điểm và hiệu quả kinh tế nổi trội của cây bưởi da xanh so với nhiều loại cây ăn trái khác. Từ đó, anh quyết định đốn bỏ cây măn cụt và nhãn tiêu quế để trồng chuyên canh bưởi da xanh trên diện tích 3.200m2 đất vườn. Để duy trì, nâng cao năng suất vườn bưởi, anh chủ động đốn bỏ những cây bưởi lâu năm đã suy kiệt và thay thế bằng cách trồng mới. Hiện tại, cây lớn nhất đã 13 năm và nhỏ nhất là 4 năm tuổi.

 

Anh cho biết, bưởi da xanh trồng khoảng 3-4 năm sẽ cho trái chiến, từ năm thu hoạch thứ 2 trở đi cây cho trái ổn định. Nếu canh tác theo đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao. Thị trường tiêu thụ ổn định, sức mua khá mạnh đã đưa giá trị trái bưởi da xanh lên vị trí hàng đầu trong nhóm các loại cây ăn trái có giá kinh kinh tế cao hiện nay. Thời gian qua, giá bưởi da xanh thường dao động ở mức từ 23.000-27.000đ/kg đối với loại 1. Với sản lượng thu hoạch khoảng 500kg, mỗi tháng đem về thu nhập cho anh hơn 12,5 triệu đồng-thu nhập đáng mơ ước đối với nông dân.

 

Anh Dũng là thành viên của tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP xã Hòa Nghĩa, cũng là tổ đầu tiên ở huyện Chợ Lách, tổ có 19 thành viên, được phát triển từ tổ liên kiết sản xuất bưởi da xanh theo hướng GAP. Tham gia tổ hợp tác, anh Dũng đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn sản xuất bưởi da xanh theo quy trình VietGAP, với nhiều hạng mục và chỉ tiêu khác nhau. Anh Dũng lý giải, khó nhất là việc ghi chép nhật ký sử dụng phân bón, điều này đã làm thay đổi tập quán canh tác trước đây của anh nói riêng, và nông dân nói chung. Ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng phân bón, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng.

 

Để tránh lãng phí, anh chỉ sử dụng phân bón vô cơ khi cần thiết và sử dụng đủ cho mỗi lần bón. Anh thường sử dụng 20-20-15 để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tùy vào quá trình sinh trưởng và tuổi của cây mà bón với liều lượng và vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh sử dụng phân vi sinh bón 4 lần trong năm, mỗi lần bón liều lượng 1-4kg/gốc. Anh ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu có, anh chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng đã được đăng ký, chú trọng việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) mà anh đã được tham gia tập huấn. Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng kho chứa hóa chất ở nơi thoáng mát, an toàn theo quy định.

 

Sau gần 2 năm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả bước đầu đã được ghi nhận: môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, sau khi đạt được chứng nhận VietGAP, cơ sở Hương Miền Tây cam kết thu mua giá cao hơn 20% so với giá của thị trường, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng không riêng cho anh Dũng mà còn cho những thành viên của tổ hợp tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP xã Hòa Nghĩa.

Việt Cường

 
In bài viết