Tin hợp tác sản xuất
Có 9 cá nhân được khen thưởng trong hội nghị tổng kết chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh đến 2010 
Thứ sáu, 06/8/2010 15:14

Sở KH&CN Bến Tre phối hợp với các sở ngành có liên quan vừa tổ chức hội nghị tổng kết chương trình: “Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre đến năm 2010”. Chương trình được triển khai từ năm 2006 tập trung ở các địa bàn: Chợ Lách, Châu Thành, Thị Xã (nay là TP Bến Tre), Giồng Trôm, Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam) với tổng kinh phí thực hiện trên 125 tỷ đồng. 

 

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự được nghe đại diện Sở KH&CN thông qua báo cáo tổng kết chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh đến năm 2010; báo cáo tham luận của các đơn vị tham gia dự án về các vấn đề như: kết quả và kinh nghiệm triển khai, công tác chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất trồng bưởi da xanh và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án; báo cáo điển hình của nông dân sản xuất giỏi;…. 

 

Sau 3 năm thực hiện, diện tích bưởi da xanh đạt 99,05% kế hoạch của chương trình. Qua đó góp phần nâng cao năng lực của cán bộ địa phương trong việc tổ chức, quản lý triển khai thực hiện dự án hỗ trợ nông thôn. Từ chương trình đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan, tuyên truyền giúp nông dân trong vùng dự án và trên địa bàn thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình. Ngoài ra, dự án còn xây dựng 5 qui trình công nghệ: thu hoạch, xử lý, bảo quản, chế biến trà và mứt bưởi; Xây dựng website quảng bá bưởi da xanh; xây dựng thương hiệu, xác lập và quản lý quyền đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi da xanh góp phần gia tăng giá trị sản xuất. 

 

Theo Ông Lê Phước Toàn, P. Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, hiện nay Bến Tre có trên 40.000 ha cây ăn quả với nhiều chủng loại trong đó bưởi da xanh là loại cây có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phát triển bưởi da xanh còn chậm, mang tính tự phát, sản xuất còn manh mún, phân tán theo từng hộ gia đình vì thế chất lượng không đồng nhất, các yêu cầu về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch… chưa được thực hiện tốt. Theo ông, qua 3 năm thực hiện dự án đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế lẫn xã hội như: đời sống người dân được cải thiện, chất lượng, năng suất trái cây được tăng lên, đây cũng là cơ hội để tăng sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam mà điển hình là bưởi da xanh trên thị trường trong và ngoài nước. 

 

Còn đối với Ông Võ Hữu Thoại-Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và bà Trần Thị Thanh Tâm-trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh thì quan tâm đến công tác chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất bưởi da xanh. Theo ông Thoại, Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với ban chủ nhiệm dự án triển khai và xây dựng hoàn thiện các qui trình trồng và thâm canh, tiêu chuẩn cơ sở quả tươi của bưởi da xanh; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, kỹ thuật viên và nông dân trong vùng dự án …. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt thì việc chọn hộ gia đình tham gia mô hình cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc thành công hay thất bại của dự án. 

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Bảo P.Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện tại, chương trình đã mang lại hiệu quả cho người dân cụ thể chất lượng, sản lượng bưởi tốt hơn, giá cả cao hơn trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các hộ sản xuất với các cơ sở thu mua; giữa các hộ sản xuất với cán bộ kỹ thuật nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và cập nhật các kiến thức mới về kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi…; nâng cao trình độ thâm canh cho người dân. 

 

Ông Trương Minh Nhựt-Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre đánh giá chương trình được triển khai đúng lúc và đồng bộ theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu qui hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, công nghệ sau thu hoạch, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại thị trường bưởi da xanh. Năng suất và chất lượng được tăng lên, cụ thể năm 2006, diện tích bưởi da xanh là 1.527 ha, năng suất 9-10 tấn/ha; sau 3 năm thực hiện diện tích tăng lên 3.961 ha tăng 2,6 lần, năng suất thâm canh 12-15 tấn/ha tăng 20-30% so với trước. Giá cả cũng được tăng lên, trước đây chỉ 10-17.000 đồng/kg; hiện nay từ 20-35.000 đồng/kg. Trình độ của các nông hộ cũng được nâng lên rõ nét thông qua các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc bưởi. Ý thức người dân về xây dựng thương hiệu, kênh thông tin thị trường sản phẩm cũng được nâng lên đặc biệt là biết cập nhật và trao đổi thông tin trên website. Trong thời gian tới, ông cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2: 2010-2015 tập trung vào các vấn đề chủ yếu: Chuyển giao kỹ thuật để duy trì phát triển dự án tạo sản phẩm có chất lượng; Có chính sách khuyến khích hỗ trợ liên kết sản xuất giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, các trang trại có qui mô lớn để tổ chức an toàn theo hướng GAP; Quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, thành lập hiệp hội BDX; Mở rộng qui mô diện tích… 

 

Cũng trong dịp này, Sở KH&CN Bến Tre đã trao tặng giấy khen cho 9 cá nhân là nông dân với thành tích ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất bưởi da xanh thuộc chương trình phát triển 4.000 ha bưởi da xanh tỉnh Bến Tre.

KT

 
In bài viết