Thị trường nước ngoài
Bưởi da xanh xuất hành ra hải ngoại
Tác giả: Đồng Khởi Online   
Thứ năm, 18/6/2009 08:43
Con đường đi tìm thị trường

Ngồi trò chuyện với ông Đàm Văn Hưng - chủ nhân của thương hiệu bưởi da xanh Hương Miền Tây, ở Phước Mỹ Trung - Mỏ cày, tôi mới thấy hết những khó khăn của việc tìm đầu ra cho một đặc sản trái cây. Bởi cách đây khoảng 12 năm, ông Hưng chuyên kinh doanh trái cam. Thị trường chủ yếu là trong nước, mà nhiều nhất là Hà Nội. Tuy có 12 năm trong nghề nhưng ông Hưng đã đi tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh là chuyện không phải dễ dàng chút nào. Tuy là chỉ bán hàng nội địa nhưng khách hàng ngày càng khó tính hơn. Ông Hưng cho biết, lúc bây giờ ngoài chuyên kinh doanh trái cam, ông còn có ý nghĩ tìm thị trường cho bưởi da xanh. Bởi trong những năm gần đây, trên thị trường Bến Tre, nông dân đã trồng nhiều bưởi da xanh nhưng tiêu thụ thì rất khó khăn, giá cả không ổn định. Chính vì với ý nghĩ táo bạo nầy nên ông quyết định thử một phen. Có nghĩa là vừa kinh doanh mặt hàng cam bình thường vừa tìm khách hàng tiêu thụ bưởi. Ông bảo lúc đầu vô cùng khó khăn vì thật ra bưởi da xanh ngoài Hà Nội người tiêu dùng chưa quen, hơn nữa lại đụng hàng bưởi Phú Trạch, bưởi Viễn… Ban đầu, ông thử đi hàng chừng vài bội nhưng không bán được trái nào, chỉ đem cho không. Rồi ông kiên trì giới thiệu bạn bè, khách hàng thân quen, dần dà bán được một ít nhưng từ huề tới lỗ. Vậy mà, không lâu sau hàng đã bắt đầu bán được, ông lại nghỉ luôn nghề cam, bán bưởi lúc nào không hay. Hiện giờ, cơ sở của ông đã mở rộng và hoạt động mạnh hơn.

Phải tạo nguồn nguyên liệu ổn định Từ khi chuyển hẳn sang nghề kinh doanh bưởi da xanh, ông Hưng lại tất bật hơn, bởi cần phải có đủ lượng hàng lớn nhưng do mặt hàng mới, nên để đủ lượng hàng hợp đồng với khách thật khó khăn. Từ kết quả bất ngờ của nghề mới, ông Hưng chú trọng nhiều hơn đến việc tìm nguồn hàng. Ông đã xây dựng được 5 vệ tinh, khoảng 50 lực lượng chuyên thu mua trực tiếp từ nhà vườn.




Ban đầu chỉ mua trong tỉnh, sau đó thiếu hàng lại phải tìm mua ở ngoài tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… Nhiều chính sách hậu hỉ cho các khách hàng, vệ tinh, cả người trực tiếp thu mua và nông dân. Chẳng bao lâu ông có một đội ngũ thu mua khá hùng hậu, cung cấp khá tốt lượng hàng cho cơ sở. Bây giờ đang là mùa bưởi nghịch nhưng cơ sở của ông cũng thu mua mỗi ngày từ 1,5-2 tấn hàng. Còn vào vụ mùa, mỗi tháng cơ sở thu mua trung bình 100 tấn bưởi.


Thị trường của ông là các tỉnh thành trong cả nước nhưng có lẽ thị trường Hà Nội đang tiêu thụ nhiều nhất. Đặc biệt, ngoài kinh doanh nội địa , gần đây ông Hưng đã bắt đầu nghiên cứu đến thị trường xuất khẩu và bước đầu đã thành công. Đã xuất một số lô hàng sang các nước như HongKong, Philíppin, Đài Loan, Đức, NaUy. Năm 2008, tuy chỉ xuất khoảng trên dưới 100 tấn hàng nhưng qua đó cho thấy thị trường bưởi da xanh đang có tín hiệu vui, nhất là phong trào trồng bưởi da xanh trong tỉnh đang phát triển mạnh, cùng với dự án 4.000 ha đang được triển khai.


Mặc dù bưởi da xanh đang có lối ra nhưng thực sự cũng còn lắm khó khăn. Bởi theo ông Hưng làm sao để có nguồn nguyên liệu đầu vào lớn, ổn định đang là vấn đề khá nan giải. Thực tế tại Bến Tre không có diện tích trồng tập trung, chất lượng không đạt tiêu chuẩn. Người trồng manh mún, tổ chức thu mua rất khó. Đặc biệt đối với hàng xuất khẩu vì khách hàng thường yêu cầu số lượng lớn nhưng cơ sở không dám ký hợp đồng vì không đủ hàng. Có khách hàng đặt mua 10 tấn một lúc nhưng cơ sở bỏ lỡ cơ hội vì thiếu hàng.


Xây dựng thương hiệu là để tiếp cận thị trường nước ngoài

Theo ông Hưng, tiêu chuẩn làm hàng xuất khẩu là vô cùng khó khăn. Do vậy, đòi hỏi nhà vườn phải hết sức chú ý. Bưởi tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu đều phải đảm bảo mẫu trái to đẹp, đều, da láng, vị ngọt, không khô. Để đủ hàng cung cấp cho thị trường ổn định, không ngoài con đường là phải sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung. Có thể thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật có qui trình sản xuất chuẩn, có công nghệ xử lý sau thu hoạch. Cũng theo ông Hưng, trong tương lai gần, ngoài củng cố thị trường nội địa bằng các cách thức mới như mở rộng thị trường ở TP.HCM, bán hàng qua mạng, trực tiếp giao hàng tận tay người tiêu dùng, ông sẽ chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Vì chỉ có thị trường xuất khẩu, hiệu quả kinh doanh mới cao nếu như dự án 4.000 ha bưởi của tỉnh trong vài năm tới thành công. Hiện nay, ông Hưng đã làm thủ tục xây dựng cho thương hiệu bưởi da xanh Hương Miền Tây của mình và đang được khách hàng nhiều nơi đặt hàng.

Hữu Hiệp

 
In bài viết