Thị trường trong nước
Ông Trịnh Ngọc Trung-quan tâm hơn đến uy tín, thương hiệu sản phẩm bưởi da xanh
Thứ sáu, 29/7/2011 14:24

Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, Châu Thành được Công ty Cổ phần Giám định và khử trùng FCC công nhận đạt tiêu chuẩn ViệtGAP đầu năm 2011. Tổ có 12 hộ nông dân với diện tích đăng ký 6,1 ha, sản lượng dự kiến 60 tấn/năm. Cơ sở Hương Miền Tây-huyện Mỏ Cày Bắc làm nhà sơ chế, đóng gói, thu mua sản phẩm bưởi của nông dân trong tổ.

 

 

Mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap của ông Trung.

 Ông Trịnh Ngọc Trung ở ấp 9, xã Quới Sơn, Châu Thành là một trong 12 nông dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành đã thay đổi tập quán canh tác sản xuất truyền thống của nông dân trước đây chuyển sang hướng đạt tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trung cho biết: “Vào tổ hợp tác có quá trình chuẩn bị lâu dài. Nông dân chúng tôi học được nhiều điều hay, sản xuất trái cây tuân theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tất cả quá trình đó đều có sổ theo dõi. Người sản xuất quan tâm nhiều hơn đến người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, có trách nhiệm với trái cây mình cung cấp cho thị trường”.

 

Hiện, gia đình ông có gần 1 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, phần đất chuyên canh trồng nhãn xuồng cơm vàng và xen ca cao. Song, khi nghe giới thiệu về Chương trình Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh của tỉnh, ông tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và bảo quản bưởi an toàn; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành phối hợp tổ chức. Quới Sơn lại nằm trong 8 xã điểm của Châu Thành thực hiện thí điểm dự án. Từ đó, ông quyết định trồng bưởi da xanh để phát triển kinh tế gia đình. Tham gia dự án, ông Trung dành 0,3 ha trồng chuyên canh bưởi da xanh, ngoài ra còn được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ phân bón từ dự án.

 

Vườn bưởi ông trồng đến nay gần 5 năm, cuối năm 2010, gần 2/3 diện tích đã cho trái ổn định. Hiện nay, khoảng 30 gốc cho trái ổn định và trên 70 gốc đang bắt đầu cho trái chiến. Cứ 20 ngày, bên thu mua đến tận vườn cắt bưởi một lần. Sản lượng đạt từ 100-200 kg mỗi đợt. Giá bán tại vườn bình quân từ 26.000-32.000 đồng/kg. Ông Trung dự tính: “Tôi thấy, bưởi da xanh chăm sóc cũng không khó, bây giờ đầu ra lại ổn định. Hơn nữa, thu nhập cao hơn so với nhãn nên tôi cũng an tâm. Hiện tại, tôi trồng mới thêm bưởi da xanh xen vào nhãn, khi bưởi lớn sẽ chuyển sang chuyên canh cây bưởi, chăm sóc cho tiện”.

 

Ông Trung nói thêm về kinh nghiệm trồng bưởi của mình: “Nông dân phải gắn bó với vườn cây thì mới chăm sóc tốt được. Tôi thường xuyên thăm vườn, mở sổ ghi chép để theo dõi cây trái, chăm sóc đảm bảo theo quy trình. Chú trọng phòng bệnh hơn trị bệnh. Trồng bưởi phải nuôi kiến vàng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Chỉ sử dụng thuốc BVTV đối với những cây chưa cho trái. Vào mùa nắng, thường xuyên tưới nước cho cây. Việc bón phân cũng tùy vào thời điểm và tuổi cây mà có liều lượng thích hợp. Phân vi sinh mỗi năm bón một lần, liều lượng 200kg/1.000 mét vuông đất chuyên canh bưởi. Trước khi vào mùa mưa nên rải vôi cho cây (300 kg vôi/ 0,3 ha). Để trái bưởi ngon, đạt chất lượng, bán giá cao phải chăm sóc ngay từ lúc trái còn non. Cụ thể, phải cắt cành tạo tán, không để bưởi cho trái nghiêng về một bên giúp cây đảm bảo có khả năng nuôi trái tốt. Đối với những chùm trái sai, nên cắt tỉa, để lại những trái khỏe, đẹp bỏ những trái da cám, sẹo,…”.

 

Với đầu ra và giá bán ổn định như hiện nay, bưởi da xanh đang trở nên hấp dẫn với nhiều nhà vườn. Niềm tin đó càng bền vững hơn khi người nông dân đã chuyển sang hướng sản xuất tuân thủ theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và được bao tiêu sản phẩm như hộ ông Trung.

Thu Ngân

 
In bài viết