Thị trường trong nước
Người trồng bưởi da xanh vẫn còn nhiều khó khăn!
Thứ hai, 22/6/2009 08:37

Sau cái khó “trời giáng” về tin đồn thất thiệt ăn bưởi bị ung thư, nông dân tỉnh Bến Tre hiện đang ra sức quảng bá hình ảnh bưởi da xanh nhằm khôi phục thương hiệu loại bưởi đã có tiếng trên thị trường hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, người trồng bưởi da xanh vẫn còn rất nhiều cái khó khác ngoài cái khó thị trường...


Bưởi da xanh lên ngôi


Hơn 10 năm qua, bưởi da xanh Bến Tre đã chinh phục được thị trường. Theo thống kê của Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre, hiện tỉnh này có hơn 1.500 ha bưởi da xanh trồng tập trung tại thị xã Bến Tre, các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày. Bưởi da xanh trồng trên đất cù lao Bến Tre cho trái to, có giá trị cao về dinh dưỡng và y học. So với các loại bưởi khác, bưởi da xanh luôn được giá với mức từ 10.000 đồng/kg trở lên. Do đó, nhiều nông dân tỉnh này đã khá lên nhờ chính những mảnh vườn trồng bưởi.


Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh xã Mỹ Thạnh An, cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 3 công bưởi da xanh, trung bình mỗi công trồng được khoảng trên dưới 40 cây. Loại bưởi này thường trồng từ năm thứ 5 đến thứ 8 là lúc cho trái ngon nhiều nhất, đạt từ 120 - 150 trái/cây. Trái bán tại vườn luôn ở mức từ 10.000 đồng/kg trở lên, còn loại trái to trên 1,5kg có giá từ 13.000 đồng/kg trở lên. Ông Mười còn cho biết thêm, trước năm 1990 ít ai biết giống bưởi này. Lúc đó, người ta chỉ nói đến bưởi Biên Hòa, bưởi Năm Roi. Do đó, mỗi chủ nhà vườn tại Mỹ Thạnh An chỉ trồng vài cây quanh nhà để ăn chơi, chưng bàn thờ trong ngày Tết, làm quà cho người thân. Nhưng rồi dần dần bưởi da xanh đã chinh phục được thị trường và bà con tại Mỹ Thạnh An mới ra sức phát triển loại bưởi này. Hiện loại bưởi này lan rộng ra các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách, Châu Thành... Thậm chí có người ở tận Bình Dương, Bình Phước cũng đến tìm mua giống bưởi này mang về trồng.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian qua, bưởi da xanh không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh, trong vùng ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc... Mới đây nhất, HTX Mỹ Thạnh An đã xuất khẩu sang Đức hơn 7 tấn bưởi da xanh. Theo thông tin từ Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre, sở dĩ bưởi da xanh chinh phục được thị trường là do giống bưởi này có ruột màu hồng, ít hạt, tép bưởi không đắng, vị ngọt thanh.


Vẫn còn nhiều cái khó!


Ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre, nhìn nhận cái khó thứ nhất là việc phát triển cây bưởi da xanh tại Bến Tre còn chậm, mang tính tự phát, manh mún và chưa thực hiện tốt một số yêu cầu về kỹ thuật canh tác. Do đó rất khó khăn cho việc tạo ra hàng hóa có tính quy mô, ổn định để có thể tiếp thị, mở rộng thị trường theo hướng sản xuất lớn.


Cùng suy nghĩ với ông Nhựt, nhiều nông dân trồng bưởi khi tiếp xúc với chúng tôi cũng đều đồng ý với quan điểm này. Bên cạnh đó, do trình độ canh tác chưa đồng đều, đa số là canh tác theo tập quán cũ nên sản phẩm không đồng nhất về hình thái, trọng lượng và cả chất lượng nên đã ảnh hưởng khâu tiêu thụ. Nông dân Ba Rô, người trồng bưởi nổi tiếng ở Mỏ Cày, Bến Tre cho biết: “Nhiều nông dân ở địa phương tôi thấy nhà vườn ở Mỹ Thạnh An trồng bưởi da xanh đem đến các nhà hàng bán giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, có trái bán trên 20.000 đồng/kg, tưởng dễ ăn nên đua nhau mua giống đem về trồng. Thế nhưng kết quả không như mong đợi vì cây cho trái chua, ít nước. Trong một mảnh vườn, cùng trồng bưởi da xanh, cùng chăm sóc, vô phân bón như nhau nhưng có cây cho trái ngon, cây thì không”.


Cái khó tiếp theo là việc đăng ký thương hiệu bưởi da xanh trên địa bàn Bến Tre đến nay vẫn rất ít. Hiện nay mới có 4 tổ chức, cá nhân đăng ký thương hiệu là Ba Rô (Mỏ Cày), Hai Hoa (Chợ Lách), Nông Phú Điền (phường 8, thị xã Bến Tre) và HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An. Sở dĩ nông dân chưa mạnh dạn đăng ký thương hiệu cho trái bưởi mình làm ra là do họ chưa nắm được kỹ thuật trồng sao cho trái đồng nhất, trái đẹp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và chất lượng cao đồng đều như nhau.


Theo nông dân Ba Rô, trước những khó khăn như thế, chính quyền địa phương, mà cụ thể là ngành nông nghiệp cần giúp nông dân các kỹ thuật trồng trọt sao cho trái đồng đều, đạt chuẩn, nhất là phòng tránh sâu bệnh tấn công làm hư trái, xấu trái. Bởi hiện nay, nhiều nông dân mới dừng lại ở phương pháp trồng truyền thống, biết gì làm nấy, chứ có học được tiến bộ kỹ thuật nào đâu!


HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An hiện là thành viên của GAP (trồng và tiêu thụ sản phẩm ngon, an toàn) khu vực 6 tỉnh giáp sông Tiền. HTX hiện có 61 xã viên, canh tác 60 ha bưởi da xanh, phần lớn đã cho trái. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 600 tấn trái bưởi và trên dưới 10.000 cây giống theo phương pháp chiết cành. Theo kế hoạch phát triển đến năm 2010, diện tích bưởi da xanh của HTX sẽ được nâng lên từ 110 - 120 ha, riêng sản xuất cây giống sẽ đạt 48.000 cây/năm.


HỒ VĂN

 
In bài viết