Thương hiệu
Bảo vệ thương hiệu bưởi da xanh 2H
Tác giả: Báo Cần Thơ   
Thứ năm, 18/6/2009 13:49

Ngoài phẩm chất ngon, giống bưởi da xanh của nhà vườn Lê Văn Hoa (tên thường gọi là Hai Hoa) tại ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có đặc điểm trội là không hạt. Có lần trái bưởi da xanh của ông đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Cây giống tốt do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tổ chức. Tại Cửa hàng trung tâm thuộc Quận I, TP Hồ Chí Minh, bưởi da xanh nhãn hiệu “2H” của ông Hai Hoa được bán với giá 16.000 đồng/kg trong khi bưởi da xanh không nhãn mác chỉ có giá 11.000-12.000 đồng/kg. Ưu điểm của trái bưởi “2H” là: trái tròn cân đối, vỏ mỏng, múi đều, tróc, tép trái và tầng trung bì màu hồng, vị ngọt, không hạt..., rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vườn bưởi nhà ông Hai Hoa có diện tích 5.000m2, tất cả các cây bưởi được nhân giống bằng cách chiết cành từ một cây bưởi da xanh chất lượng ngon. Vườn bưởi này nằm trong một vùng trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó, có nhiều giống cây có múi có hạt như: bưởi ngang, cam mật, cam sành... Vì vậy, những cây bưởi da xanh không hạt đôi khi “trở chứng” có một trái mang 5-20 hạt.

Trăn trở với nguy cơ mất uy tín thương hiệu bưởi da xanh “2H” không hạt, ông Hai Hoa đã cố gắng tham khảo ý kiến nhiều nhà khoa học của SOFRI, Đại học Cần Thơ; nghe ngóng thông tin kỹ thuật trên đài, báo. Các nhà khoa học đã giúp ông tìm ra nguyên nhân: “Cây bưởi không hạt do thụ phấn chéo nên có hạt”. Khi đã biết nguyên nhân, ông Hai Hoa lại tìm cách tự chế dụng cụ “bảo hiểm” cho những chùm hoa bưởi, để tránh tình trạng thụ phấn chéo.

 

 

Ông Hai Hoa đang thực hiện kỹ thuật “bảo hiểm” cho những chùm hoa bưởi da xanh.

Bộ dụng cụ này gồm: một cái lồng kẽm với hai cọng thép bắt chéo chữ thập làm khung, thêm một vòng dây kẽm niềng cứng làm thân lồng và một vòng dây thép làm miệng lồng; một miếng lưới nylon dùng chống muỗi hình vuông có cạnh 25cm-30cm có khả năng ngăn cản phấn hoang từ vườn cây có múi khác rơi vào thụ phấn với hoa bưởi da xanh. Cái lồng chụp này có đường kính miệng 10-12cm, sâu 12cm đủ rộng để tròng vào chùm bông bưởi. Chọn các chùm nụ để bao, tốt nhất là nụ chưa nở, đang chuyển màu từ xanh nõn chuối sang màu trắng. Lấy miếng lưới chụp bên ngoài lồng và dùng dây nylon cột túm bốn góc miếng lưới cùng hướng với miệng giỏ. Sau 3-5 ngày, bông bưởi trong túi lưới đã nở và hoàn thành việc tự thụ phấn, một số cánh hoa đã rơi xuống là tháo dây, gỡ lưới và giỏ ra. Tiện tay, ông Hai lặt bỏ các nụ chưa nở để tránh các nụ này bị thụ phấn chéo khi nở hoa không có lưới bảo hiểm...

Qua khoảng 1 năm theo dõi, những trái bưởi lớn lên bằng cách bao lưới trong thời kỳ thụ phấn đã cho trái không hạt (giữ nguyên phẩm chất của cây bưởi da xanh không hạt). Với chi phí 200.000 đồng, hiện ông Hai Hoa đã chế được 500 bộ dụng cụ để luân phiên chụp cho các chùm nụ hoa bưởi trong vườn. Cùng với kỹ thuật bón phân, tưới nước, lặt lá cành nhện cho bưởi ra bông (giải pháp ông Hai Hoa đạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật chỉnh vị trí ra hoa cho cây bưởi), một năm có 2.000 chùm nụ bông bưởi được bao lưới qua bốn đợt trổ bông chính. Ông Hai Hoa cho biết, tiền nhân công bao lưới cho bông bưởi tăng thêm chi phí khoảng 25-30 ngày công/năm. Bù lại toàn bộ trái trên vườn đạt yêu cầu không hạt, giữ nguyên màu sắc, chất lượng và giữ được uy tín trái bưởi “2H” - nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu công nghiệp chứng nhận bảo hộ.

MINH TUẤN

 
In bài viết